Ngứa chân răng – Hiện tượng tưởng đơn giản nhưng khôn lường với răng miệng

chai rang sai cach de lam ton thuong nuou gay dau ngua kho chiu

Ngứa chân răng thường là dấu hiệu khi lợi bị viêm, chấn thương, lợi đang có mảng bám… Nhiều người lờ đi tình trạng này. Thế nhưng, tình trạng này về lâu dài có thể khiến chúng ta trở nên khó chịu, ăn uống mất ngon hay thậm chí là chuyển biến nặng hơn về một tình trạng bệnh về răng miệng nào đó. Nhằm giúp bạn có thêm kiến thức về ngứa ở chân răng, bài viết dưới đây từ AVA Dental và bác sĩ nha khoa Phạm Minh Hoàng sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc.

Ngứa chân răng là bệnh gì

Ngứa chân răng là dấu hiệu chân răng gặp một vấn đề nào đó như viêm, sưng tấy và cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo cảm giác ngứa. Ngứa ở chân răng thường rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc phải. Nó không tạo cảm giác nào đau đớn nhưng lại khiến bạn dễ mất tập trung, cáu gắt thường xuyên.

Theo bác sĩ nha khoa Phạm Minh Hoàng, người có nhiều năm thăm khám, chăm sóc bệnh về răng miệng cho biết:

“Ngứa chân răng không phải là một bệnh cụ thể. Nó chỉ đơn thuần là triệu chứng của một vấn đề về răng miệng khác. Điển hình như viêm chân răng, viêm nướu, vụn thức ăn đâm vào nướu gây sưng tấy… Và thông thường, ngứa ở chân răng cũng không gây vấn đề nào quá nguy hiểm cho người mắc phải. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, cần đến cơ sở nha khoa gần nhất để kiểm tra“.

Triệu chứng ngứa chân răng

Nhiều người bị ngứa chân răng sau khi ăn, ngứa sau khi đánh răng hoặc chỉ ngứa vào ban đêm. Cơn ngứa ở chân răng thường nhẹ, có cảm giác thoáng qua hoặc ngứa châm chích, khó chịu. Thời gian ngứa không kéo dài, có người phải 2 – 3 ngày mới ngừa một lần, hoặc 1 – 2 tháng ngứa.

Có những người ngày nào cũng bị ngứa nhưng mỗi đợt ngứa chỉ kéo dài vài phút cho đến vài giờ. Nhìn chung, mỗi cơ địa khác nhau sẽ có cơn ngứa chân răng khác nhau. Khó xác định triệu chứng ngứa cụ thể.

Nguyên nhân ngứa chân răng

Theo trao đổi cùng bác sĩ nha khoa Phạm Minh Hoàng, nguyên nhân gây ngứa chân răng rất đa dạng nhưng chủ yếu liên quan đến các yếu tố bên ngoài. Cụ thể như sau:

  • Chấn thương ở nướu: Các chấn thương ở nướu như đánh răng mạnh, va đập do chạy nhảy, nghiến răng, dùng tăm gây chảy máu nướu… Có thể khiến khu vực nướu bị tổn thương bị đau. Khi nướu dần lành lại, chúng thường tạo cảm giác ngứa nhẹ. Trong một số trường hợp, nếu vết thương đang lành và có cơn ngứa châm chích thì đây có thể là dấu hiệu tốt khi vết thương dần hồi phục.
  • Các bệnh nha khoa như viêm nướu, viêm chân răng: Tình trạng viêm nướu, viêm chân răng khiến số lượng vi khuẩn ở chân răng rất cao. Chúng tích tụ thành các ổ rải rác trong khoang miệng, nơi nào có lượng vi khuẩn lớn, tạo thành ổ thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cảm giác đau, sưng tấy hoặc ngứa.
  • Răng miệng bị dị ứng: Hiện tượng ngứa có thể do cơ địa vốn dị ứng bởi một hay nhiều loại thực phẩm nào khác. Các tác nhân gây dị ứng ấy khi chạm vào niêm mạc miệng sẽ khiến nướu, chân răng bị ngứa. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng mà cơn ngứa sẽ nhẹ, râm ran rồi hết hoặc ngứa kèm sưng hay tệ hơn là ngứa nhiều, miệng sưng to.
  • Răng giả: Đeo răng giả không hợp với hàm hay bọc răng sứ sai kỹ thuật đều có thể khiến thức ăn bám vào răng. Khi thức ăn bám vào kẽ răng, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, tạo ổ viêm và gây ngứa, nhạy cảm.

Cách trị ngứa chân răng

Việc trị ngứa chân răng cần xác định nguyên nhân ngứa là do đâu rồi mới tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, một số biện pháp cải thiện tình trạng ngứa có thể hiệu quả. Những phương pháp giảm cơn ngứa ở chân răng mà bạn có thể áp dụng như:

  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối có tính sát khuẩn nhẹ, bạn chỉ cần hòa một muỗng cà phê muối cùng 1 cốc nước lọc và khuấy đều, súc miệng tại nhà. Nước muối làm giảm lượng vi khuẩn và giảm cảm giác ngứa, kích ứng rất hiệu quả.
  • Ngậm đá: Đá lạnh giúp nướu mát hơn, cơn ngứa dịu đi. Tuy nhiên, bạn cần ngậm đá viên nhỏ để nhanh tan và không gây kích ứng lớn đối với niêm mạc miệng.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Chỉ cần vệ sinh răng miệng đúng cách là chúng ta đã phòng ngừa được rất nhiều vấn đề về nha chu, trong đó có ngứa chân răng. Hãy đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước thay vì tăm tre. Cạo cao răng 6 tháng 1 lần và thay bàn chải đánh răng 3 tháng 1 lần.
  • Không hút thuốc lá: Thuốc lá có thể là nguyên nhân chính khiến chân răng ngứa.

Ngoài cách cải thiện ở trên, bác sĩ Hoàng còn cho biết:

“Nếu dùng các biện pháp tại nhà để giảm ngứa không thành công. Bác sĩ nha khoa có thể can thiệp bằng các phương pháp như cho dùng thuốc kháng histamin, đeo băng bảo hộ răng, nạo túi nha chu, lấy vôi răng và dùng thủ thuật lasering“.

Mối liên quan giữa bệnh ngứa chân răng và quá trình bọc răng sứ

Nếu bạn đang gặp tình trạng ngứa chân răng nhưng muốn bọc răng sứ thì việc liên hệ bác sĩ từ bệnh viện nha khoa rất cần thiết. Bởi lẽ, việc bọc răng sứ rất cần nền răng gốc ở trạng thái chắc khỏe nhất, không gặp các vấn đề về nha chu. Thông thường, bác sĩ sẽ giải quyết hiện tượng ngứa ở chân răng trước khi mài răng và bọc chân răng nhằm đảm bảo kết quả hàm răng hoàn thiện nhất.

Ngoài ra, không ít người khi bọc răng sứ xong lại xuất hiện tình trạng ngứa chân răng. Theo lý giải của bác sĩ Phạm Minh Hoàng:

“Ở một số cơ địa, sau khi bọc răng sứ xong, thời gian đầu răng có thể chưa quen nên có cảm giác ngứa rất nhẹ. Sau khoảng một thời gian khi lớp sứ đã ổn định, cơn ngứa sẽ hết. Tuy nhiên, trong một vài cơ sở nha khoa không uy tín, tay nghề nha sĩ còn kém hoặc chất răng sứ không tốt nên để lại hậu quả là răng bị viêm, tụt nướu và ngứa.

Tình trạng này nếu không được khắc phục thì sức khỏe răng miệng sẽ bị giảm sút. Thậm chí, nếu bọc răng sứ không đúng kỹ thuật, về lâu dài răng bị lung lay, sâu răng, viêm nhiễm…”.

Cách phòng ngừa

Cách phòng ngừa răng miệng rơi vào hiện tượng ngứa chân răng tốt nhất là bạn cần chăm sóc, vệ sinh khoang miệng đúng cách. Nếu có các vấn đề về nha chu, cần đến cơ sở uy tín để được kiểm tra, thăm khám kỹ càng. Cách phòng tránh cơ bản mà bạn có thể thực hiện ngay bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Đánh răng 2 lần/ngày, đến nha khoa thăm khám và cạo cao răng 2 lần/năm để đảm bảo loại bỏ hết các mảng bám.
  • Hạn chế các tác nhân gây kích ứng từ môi trường: Nếu bạn là người dễ bị dị ứng thì nên tránh ăn các món liên quan đến chúng. Đối với các món ăn lạ, hãy ăn thử một chút trước để kiểm tra xem mình có bị dị ứng hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá vì chúng cũng là nguyên nhân gây ngứa ở chân răng.
  • Ăn uống lành mạnh: Các món ăn giàu acid như trái cây vị chua có thể giúp răng loại bỏ phần nào mảng bám. Đồng thời, những món như rau củ cũng cần được bổ sung trong thực đơn để giảm mảng bám trên răng.

Nói tóm lại, ngứa chân răng thường không gây nguy hiểm cho người mắc phải nó. Chỉ cần bạn luôn chăm sóc răng miệng đúng cách, giải quyết các vấn đề nha khoa sớm thì hiện tượng này sẽ biến mất. Hy vọng những chia sẻ ở trên có thể giúp bạn bớt lo lắng nếu gặp tình trạng này nhé!